LAPH Quốc Học
Đối diện Quốc học Huế, “Cafe cóc” LAPH được thiết kế hướng đến nhiều đối tượng khách khác nhau.
“Café cóc” trong tiếng Việt có nghĩa là một quán cà phê giá rẻ, hướng mặt ra đường phố, có bàn ghế thấp, có thể xếp gọn khi cần thiết, là nơi mà mọi người có thể nhanh chóng và dễ dàng tạt vào, gọi một thức uống, nhâm nhi một mình hoặc với bạn bè rồi rời đi.
LAPH Quốc học là một quán cà phê được cải tạo từ 2 tầng dưới của một ngôi nhà hiện hữu, nằm trên một con đường yên tĩnh, bên cạnh một ngôi trường đẹp có lịch sử lâu đời gần 130 năm. Kiến trúc sư muốn thiết kế một quán cà phê có hình thức “Café cóc” bình dân kết hợp với nội thất mang hơi hướng cổ điển và sang trọng để tạo một sự kết hợp độc đáo mà lại phù hợp với nhiều đối tượng khách khác nhau.
Tầng trệt và mặt tiền được thiết kế theo kiểu “Café cóc” với nhiều tầng bậc ngồi khác nhau, giúp cho mọi người đều có thể nhìn ra con đường và ngôi trường phía trước. Bàn ghế tầng trệt là loại bàn ghế thấp, kết hợp với vách tường gỗ thô và tone màu be, tạo cảm giác thân thiện, thoải mái.
Ở khu vực ngồi phía trước, nhóm thiết kế bố trí 3 cái cây lớn, được treo lơ lửng. Ý tưởng này giúp tạo một vườn treo cho tầng dưới và những cây che bóng mát cho tầng trên nhưng vẫn tiết kiệm diện tích sử dụng. Để treo được những cây lớn như vậy, đầu tiên, phần ban công tầng 2 được thiết kế bằng kết cấu thép. Cột gồm 4 cây sắt chữ V nối lưng với nhau, sau đó hàn trực tiếp với dầm thép I, tất cả đều được bọc bên ngoài bằng gỗ. Sàn được cấu tạo với một lớp sắt hộp đan khá dày, khung gỗ trồng cây sẽ được treo trực tiếp trên hệ khung sàn này. Hệ thống thoát nước tưới sẽ thoát qua đáy bồn cây, qua các đường ống nhỏ chạy dọc theo dầm thép rồi đi xuống đất. Quầy pha chế được dùng chung vật liệu với sàn, kết hợp với hiệu ứng vuốt lên ở chân quầy giúp tạo sự liền mạch.
Trái ngược với sự tự do, có phần nhộn nhịp bên dưới, tầng 2 được thiết kế như một thư viện, với không gian ấm cúng, yên tĩnh và khép kín, tuy nhiên vẫn có nhiều ô cửa sổ kính – với thiết kế tinh tế pha trộn giữa cổ điển và hiện đại, mở ra những tán cây lớn xanh mát bên ngoài. Ban công tầng 2 vẫn được sử dụng, tuy nhiên hầu hết khách chỉ ngồi nép vào bên trong và nhìn ra những cái cây đâm lên từ bên dưới, họ coi khu vực ban công như một pavilion (tạm dịch: không gian thưởng lãm). Điều này được xem là cách mà kiến trúc định hình hành vi mà ngay cả người thiết kế cũng chưa hình dung đến.